Tiếp nối một trong 6 trụ cột trong Quy hoạch phát triển tỉnh Ninh Thuận được Chính phủ phê duyệt hồi năm 2020, thì phát triển kinh tế biển đa dạng, đa lĩnh vực, khai thác hết hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về biển đã được UBND tỉnh Ninh Thuận xác định rõ qua các kế hoạch đầu tư và phát triển.
Song song với hoạt động khai thác biển, nuôi trồng biển, phát triển lĩnh vực giống thủy sản chất lượng để khẳng định thương hiệu Ninh Thuận, các hoạt động khai thác du lịch biển, công nghiệp biển,… cũng là một trong nhiệm vụ cấp thiết để đưa Ninh Thuận đi lên bền vững.
Đa dạng nhóm ngành kinh tế biển
Với chiều dài bờ biển hơn 100 km, tỉnh Ninh Thuận có đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để có thể phát triển đa dạng nhóm ngành kinh tế biển. Đây là một trong những mục tiêu mà Tỉnh ủy Ninh Thuận đã đưa ra trong Nghị quyết 07-NQ/TU về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016 – 2020 và Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận định hướng phát triển đa dạng ngành nghề liên quan biển như phát triển năng lượng và các ngành kinh tế biển mới, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ biển, các khu, cụm công nghiệp ven biển và các khu đô thị sinh thái ven biển, kinh tế hàng hải, tài nguyên khoáng sản biển, …
Xác định công nghiệp ven biển là một trong những ưu tiên để phát triển các ngành kinh tế biển, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển và ven biển, khuyến khích phát triển các công nghiệp chế biến thủy sản; công nghiệp khai thác; chế biến muối và sản phẩm sau muối; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp đóng mới; sửa chữa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản; phát triển các sản phẩm làng nghề chế biến cá hấp, chế biến nước mắm…
Từ năm 2016 đến tháng 6/2021, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 47 dự án công nghiệp biển với tổng vốn đăng ký 2.091 tỷ đồng. Đến nay có 25 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 651 tỷ đồng; trong đó có một số dự án quy mô lớn, góp phần tăng năng lực sản xuất cho ngành công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp biển và ven biển tăng nhanh, tỷ trọng công nghiệp biển và ven biển trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp chiếm 73,1%..
Qua 5 năm tỉnh Ninh Thuận thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ khóa XIII về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa quan trọng, lần đầu tiên Tỉnh ủy Ninh Thuận có Nghị quyết chuyên đề riêng về kinh tế biển, tạo bước ngoặc quan trọng trong nhận thức về kinh tế biển của cả hệ thống chính trị tỉnh, thể hiện sự mạnh dạn cũng như hướng đi mới về phát triển kinh tế biển.
Theo đó, các chủ trương lớn của Nghị quyết được đẩy mạnh triển khai và bước đầu đạt kết quả tích cực, thế mạnh về kinh tế biển của tỉnh được nhận diện rõ hơn và đánh giá đúng mức để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển tăng khá, bình quân tăng 18,6%/năm; tỷ trọng đóng góp kinh tế biển vào GRDP của tỉnh tăng từ 27% năm 2015 lên 38,8% năm 2020.
Năng lượng tái tạo trở thành yếu tố đột phá trong phát triển công nghiệp biển và ven biển góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; các dự án năng lượng tái tạo hoàn thành đi vào hoạt động mang lại hiệu quả, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế biển nói riêng và kinh tế toàn tỉnh nói chung.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, thời gian qua, cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho tỉnh đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là ở vùng biển và ven biển, đặc biệt là khu vực phía Nam của tỉnh với các dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná; trung tâm điện khí LNG Cà Ná (quy mô 1.500 MW giai đoạn 1); khu đô thị ven biển…
Để tạo động lực phát triển, Ninh Thuận đã hợp với bộ, ngành Trung ương đưa vào quy hoạch quốc gia các lĩnh vực có lợi thế mới như: điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi, cảng nước sâu và trung tâm logistics để kêu gọi đầu tư. Tính đến cuối năm 2021, Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 47 dự án công nghiệp biển với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng; đồng thời, tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển gắn với hình thành và phát triển trung tâm kinh tế biển; nhất là phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Đẩy mạnh khai thác du lịch, dịch vụ biển
Trong đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển du lịch và dịch vụ biển. tỉnh Ninh Thuận chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đạt kết quả bước đầu, hoàn thiện hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; công tác quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm, khai thác lợi thế về du lịch biển, xây dựng các điểm đến được quan tâm chỉ đạo thực hiện, ban hành cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao trên địa bàn, gắn với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu quy hoạch du lịch của Tỉnh.
Từ năm 2016 đến tháng 6/2021, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm cho 23 dự án du lịch/16.148 tỷ đồng; trong đó, có 6 dự án du lịch đã hoàn thành đưa vào hoạt động như Khách sạn Hoàn Mỹ, Long Thuận, Green Hotel… Cùng đó là một số dự án quy mô lớn đang xúc tiến triển khai hoặc đẩy nhanh tiến độ như: Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark, Khu du lịch Bình Tiên, Sun bay Park Hotel…, góp phần tạo thương hiệu cho du lịch biển Ninh Thuận.
Sản phẩm dịch vụ du lịch cũng được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh khai thác, phát huy sự đa dạng, thế mạnh về du lịch biển; tạo được các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch thể thao mạo hiểm… Cùng với tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, quy mô, chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch cũng được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu khi tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo quy mô cấp quốc gia và quốc tế. Đến cuối năm 2020, tổng số lượng buồng phòng đã tăng 77,7 % so với năm 2015 và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Để thúc đẩy du lịch và dịch vụ du lịch biển phát triển, tỉnh đã ban hành cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao gắn với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu quy hoạch du lịch ở các địa phương ven biển. Đến cuối năm 2021, Ninh thuận có 6 dự án du lịch đã hoàn thành đưa vào hoạt động và một số dự án quy mô lớn đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ; góp phần tạo thương hiệu cho du lịch biển Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận chia sẻ, Ninh Thuận hình thành các khu đô thị sinh thái, đô thị thông minh ven biển, phát triển đô thị trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, hình thành các khu đô thị mới và các điểm dân cư nông thôn ven biển, tạo ra một bức tranh mới về đô thị.
Song song với phát triển du lịch, dịch vụ du lịch biển, tỉnh Ninh Thuận còn tập trung phát triển năng lượng tái tạo hướng ra biển. Cụ thể là xúc tiến đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển. Trước mắt, tỉnh tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, quy mô 1.500 MW; kiến nghị với Trung ương bổ sung thay thế nguồn điện hạt nhân quy mô 4.600 MW trước đây bằng điện khí LNG, hướng đến hình thành Trung tâm điện lực Cà Ná quy mô 6.000 MW trong những năm tới.
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt tập trung thi công để hoàn thành đầu tư cảng biển tổng hợp Cà Ná, có quy mô gồm 17 bến tàu, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, bao gồm tất cả các hạng mục quy hoạch gồm bến, bè, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cây xanh.
Đây là bến cảng nước sâu có địa thế rất thuận lợi, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh. Tỉnh Ninh Thuận còn phát triển cảng cạn, trung tâm dịch vụ logistics; xây dựng các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông cảng biển với tuyến đường cao tốc, đường sắt Bắc – Nam, quốc lộ 1A,… Có thể nói, ngành du lịch Ninh Thuận được coi là sinh sau, đẻ muộn trong các chiến lược phát triển kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng nhưng với cách đi chậm mà chắc, tỉnh đã chứng minh được bước phát triển đột phá ngoạn mục ổn định với 2 con số mỗi năm, lượt khách tăng bình quân 16%/năm. Doanh thu du lịch tăng bình quân 17,7%/năm đã tạo động lực cho ngành du lịch và dịch vụ du lịch biển tiếp tục phát triển trong tương lai./.