Nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài muốn mua tín chỉ carbon tại Việt Nam, song gặp trở ngại do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.
Chia sẻ bên lề hội thảo ngày 20/12 tại Hà Nội, bà Phạm Thu Thủy, Giám đốc chương trình Biến đổi khí hậu, Năng lượng tái tạo và Phát triển carbon thấp toàn cầu (CIFOR-ICRAF), cho biết hiện có nhiều công ty năng lượng, tổ chức tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, dịch vụ ở nước ngoài muốn mua tín chỉ carbon tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ bày tỏ lo ngại do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên không biết phải làm gì.
Khi vào Việt Nam, doanh nghiệp cần một cơ quan điều phối từ phía Chính phủ để hướng dẫn vì thị trường carbon có rất nhiều lĩnh vực như: Lâm nghiệp, năng lượng, chăn nuôi, thú y… Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đăng ký quyền carbon hay danh sách cơ sở, dự án về carbon để doanh nghiệp tìm đến. “Ở Peru, Brazil, họ có sàn giao dịch công bố đang thiếu hay thừa tín chỉ ở lĩnh vực nào, giá bán và đã bán cho những ai. Đây rõ ràng là thông tin hữu ích để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tìm kiếm”, bà Thủy chia sẻ.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác. Theo bà Thủy, giai đoạn 1997-2019 có khoảng 17% lượng buôn bán tín chỉ carbon toàn cầu đến từ ngành lâm nghiệp. Riêng các năm 2015-2019, tỷ trọng này tăng lên 42%. Hiện giá bán một tấn carbon dao động 2-50 USD, tùy thuộc vào vai trò, giá trị của rừng, trong đó rừng có độ đa dạng sinh học cao thì giá bán tín chỉ carbon cao.
Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, cho rằng Việt Nam đã có khung chính sách, nhưng lại thiếu hướng dẫn cụ thể, ví dụ hoạt động nào thì được tính là dạng phát thải hay hấp thụ carbon. Các chương trình carbon hiện vẫn chưa hẳn là thương mại, còn ràng buộc nhiều điều kiện.
Việt Nam vẫn chưa có thuế carbon, các giao dịch chủ yếu là hình thức tự nguyện qua các chương trình, dự án. “Nếu chúng ta không có công cụ, không có chính sách thì rất khó để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Phương nói.
Giải đáp các băn khoăn trên, ông Nguyễn Văn Minh, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Chính phủ đã ban hành lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước với hai giai đoạn. Từ nay tới năm 2027, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính triển khai nhiều hoạt động, trong đó có xây dựng quy định liên quan để thiết lập sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trong nước. Sàn sẽ hoạt động thí điểm vào năm 2025.
“Việc thí điểm sẽ kéo dài trong ba năm, tới 2027 sẽ đánh giá xem hoạt động của sàn có ổn không và tới 2028 thì vận hành chính thức”, ông Minh chia sẻ.
Trên sàn giao dịch sẽ có hai mặt hàng gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trong nước. Trong đó, hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được phân bổ cho doanh nghiệp theo Quyết định 01/2022. Các doanh nghiệp thuộc danh mục bắt buộc xác định lượng phát thải khí nhà kính. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bên liên quan nhằm phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng doanh nghiệp để tiến tới giảm phát thải.
“Mỗi doanh nghiệp sẽ có một mức phát thải nhất định, khi vượt quá thì phải mua thêm hạn ngạch. Nguồn mua có thể từ nhà nước, từ doanh nghiệp khác không sử dụng hết, hoặc mua tín chỉ carbon từ những cơ chế trao đổi”, ông Minh nói. Khi triển khai thị trường carbon, doanh nghiệp có thể mua thêm hạn ngạch, nhưng chỉ tối đa 10%. Điều này nhằm tránh để doanh nghiệp lớn sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền mua tín chỉ carbon nhằm bù đắp cho lượng phát thải.
Cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon thực chất là để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, quy đổi ra tín chỉ carbon để giao dịch trên thị trường. Giữa những năm 2000, Việt Nam đã có doanh nghiệp được cấp tín chỉ carbon thông qua việc triển khai một số dự án theo cơ chế phát triển sạch.
Việt Nam và Nhật Bản đang triển khai tín chỉ carbon chung. Các dự án triển khai tại Việt Nam sẽ nhận được tài chính từ hai nguồn gồm của Bộ Môi trường Nhật (nhận tối đa 5% kinh phí/dự án) và Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật (nhận tối đa 100%). Tuy nhiên, tín chỉ carbon thu được từ các dự án sẽ phải phân bổ lại cho Chính phủ Nhật Bản, tùy theo lượng đóng góp về tài chính, cũng như thỏa thuận giữa các bên. Đã có 14 dự án đăng ký và 8 dự án trong đó được cấp hơn 4.000 tín chỉ carbon, giúp Việt Nam thu về gần 40 triệu USD.
Về phía Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục phó Trần Quang Bảo cho biết đơn vị đang tích cực đàm phán với các tổ chức quốc tế, đối tác để xây dựng dự án về thị trường carbon. Như các tỉnh Bắc Trung Bộ, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, đã ký thỏa thuận chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon với giá 5 USD/tấn. “Chúng tôi cũng đang xây dựng các khung pháp lý để địa phương, chủ rừng có thể chủ động xây dựng dự án, đàm phán chuyển nhượng tín chỉ carbon”, ông Bảo chia sẻ.
Thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Chính phủ, nhiều tỉnh thành sở hữu diện tích rừng lớn muốn tham gia chuyển nhượng tín chỉ carbon. Song theo ông Bảo, có hai câu chuyện khó cần giải đáp là nếu bán đi thì phần đóng góp là bao nhiêu, hai là giá bán bao nhiêu. Nếu Việt Nam bán và chuyển nhượng hết thì có thể tương lai sẽ phải mua lại với giá đắt hơn.
Nếu có đối tác muốn mua tín chỉ carbon rừng của từ hai tỉnh trở lên thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trực tiếp ký, nếu một tỉnh thì chủ tịch tỉnh có thể ký, và nếu mua của chủ rừng thì chủ rừng ký trực tiếp. Số tiền bán được sẽ chuyển về Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Việt Nam để phân phối.
Phạm Chiểu