30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, ngoài việc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN, Việt Nam còn là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong Chính sách hướng Nam mới, với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang hoạt động đầu tư hiệu quả. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, logistics, xây dựng,… thời gian gần đây, vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc còn chuyển hướng sang một số lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe,…

Ông Nguyễn Chí Dũng (bên phải), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tiếp ông Yun Seong Deok, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam

Đối tác chiến lược quan trọng và lâu dài

Kế từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhanh, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa – thể thao – du lịch, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo,… đến giao lưu nhân dân. Năm 2001, hai nước đã nâng cấp quan hệ thành Đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21; năm 2009 là Đối tác hợp tác chiến lược và hướng tới nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư số một, đối tác viện trợ phát triển, thị trường du lịch, hợp tác lao động đứng thứ hai và là thị trường xuất khẩu thứ ba của Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế: Dịch vụ, logistics, tài chính – ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến,…

Về đầu tư, từ những năm 1980, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn trên thế giới. Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990 và nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn ở Việt Nam.

Từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (năm 2009), đặc biệt là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh: Năm 2015, số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là 6,72 tỷ USD; năm 2016 là 7,0 tỷ USD; năm 2017 đạt 8,49 tỷ USD; năm 2018 là 7,2 tỷ USD;… Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid -19, vốn đầu tư giảm sâu nhưng vẫn đạt 3,9 tỷ USD, và đến năm 2021 số vốn tăng trở lại, đạt 7,4  tỷ USD. Tính đến tháng 9/2022, Hàn Quốc đã có 9.438 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 80,5 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án tại Việt Nam.  Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 2/97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 290 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD.

Về quy mô dự án, trước đây, các dự án FDI của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ. Tuy nhiên hiện nay, đã có hàng loạt các dự án đầu tư quy mô lớn, điển hình là các dự án của Samsung vào Bắc Ninh, Thái Nguyên, đầu tư của tập đoàn LG tại Hải Phòng,… Ngoài ra còn có nhiều dự án lớn khác của các nhà đầu như: Hanwha, SK Group, Hyosung, Hyundai, CJ Group, SK Telecom, Shinhan Finance Group,…

Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam: Công nghiệp chế biến, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, bán buôn bán lẻ, logistics, tài chính, ngân hàng,… Trong đó, lĩnh vực chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong những năm gần đây, đầu tư của Hàn Quốc còn mở rộng sang lĩnh vực xây dựng, bất động sản, phân phối, bán lẻ, văn phòng, khách sạn, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp,… với sự xuất hiện của các tập đoàn tài chính như Shinhan, KB, Woori,…).

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, dự án năng lượng, tài chính – ngân hàng, mua bán sáp nhập (M&A) và dịch vụ chất lượng cao. Thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị thế đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam: “Trong vòng 1 đến 2 năm tới, hai quốc gia sẽ hoàn toàn có thể hiện thực hóa “mục tiêu kép” – đưa kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD.”

Về hình thức đầu tư, đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, nhưng chủ yếu là đầu tư trực tiếp với 100% vốn FDI. Gần đây xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp Hàn Quốc góp vốn mua cổ phần tại rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam. Vốn FDI của Hàn Quốc đã mở rộng trên hầu khắp các tỉnh trong cả nước: Đến năm 2017 là 53 tỉnh thành, đến nay là 59 tỉnh thành, kể cả những vùng sâu, vùng xa, hạ tầng còn nhiều khó khăn. Địa bàn đầu tư trọng tâm của Hàn Quốc tại Việt Nam là các thành phố lớn, hoặc các địa phương giáp các thành phố lớn như: Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước,…

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  phối hợp với  Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2022 với chủ đề “Hải Phòng – điểm đến thành công”

Nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện

Không chỉ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu, các doanh nghiệp Hàn Quốc được đánh giá là nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật, đầu tư có hiệu quả cao và góp phần tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các dự án đầu tư của Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp điện tử đã góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ khi Samsung đầu tư vào Việt Nam với những dự án lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên,… cũng như hoạt động đầu tư của LG tại Hải Phòng, ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, dần có vị trí then chốt trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc tạo ra cơ hội cho các nhà cung ứng nội địa, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó vừa là một nhu cầu vừa là một cam kết đối với Việt Nam.

Ngoài ra, hoạt động của hàng nghìn doanh nghiệp Hàn Quốc đã thu hút hơn một triệu lao động Việt Nam, góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của một bộ phận đáng kể người dân. Ở góc độ khác, vốn đầu tư của Hàn Quốc còn góp phần đào tạo, nâng cao trình độ người lao động Việt Nam. Với tiêu chí coi hiệu quả làm việc là ưu tiên hàng đầu trong tuyển dụng và sử dụng lao động, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã xây dựng được một đội ngũ công nhân, nhân viên lành nghề, có tác phong công nghiệp, kỷ luật cao.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc, các dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam không chỉ triển khai nhanh mà còn có quy mô lớn, hiệu quả cao, tác động lớn đến kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam.

Năm 2022 là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Những thành tựu tốt đẹp của lịch sử 30 năm hợp tác, sự tương đồng về lợi ích chiến lược sẽ là những động lực to lớn để hướng tới nâng tầm quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”,  thắt chặt hơn nữa sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam mong muốn sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác, đầu tư của Hàn Quốc đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển,… có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của hai bên trong hoạt động đầu tư. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Vietnam Business Forum