Nhiều chỉ dấu cho thấy, sau thời gian dài bị gián đoạn bởi Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt trở lại thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mới.
Vùng đất hấp dẫn nhà đầu tư
Hội nghị nhà đầu tư năm 2022, do VinaCapital tổ chức tại TP.HCM mới đây thu hút gần 100 nhà đầu tư, chủ yếu là châu Âu, Đông Bắc Á. Các tên tuổi tư nhân trong nước đã và đang gấy ấn tượng tốt với các nhà đầu tư ngoài nước như Thế giới Di động, Vietjet Air, Hưng Thịnh, ZaloPay, Tiki, Homebase, FINA… cũng góp mặt.
Họ đến hội nghị thường niên này để tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam nằm ở đâu. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam đang rất hấp dẫn, thậm chí là ngôi sao của thế giới.
Ông Don Lam, nhà sáng lập, CEO VinaCapital khá bất ngờ với số lượng nhà đầu tư tham dự, bởi sau Covid-19, ông nghĩ họ sẽ ít quan tâm đến đầu tư.
Thông tin về vĩ mô của thị trường luôn là yếu tố đầu tiên để các nhà đầu tư tầm cỡ nhìn vào khi muốn huy động vốn, rót vốn vào quỹ. Việc VinaCapital tổ chức hội nghị hàng năm là cơ hội để quảng bá Việt Nam tới nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất vào năm 2023. Trong quý III/2022, GDP Việt Nam tăng 13,7% theo năm và trong 9 tháng của năm, mức tăng trưởng GDP là 8,8% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong 12 năm. Mức tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam trái ngược hẳn với diễn biến kinh tế của các quốc gia khác ở châu Á.
“Không nhiều quốc gia có thể vượt qua đại dịch và hồi phục mạnh mẽ như Việt Nam. Chúng tôi rất vui vì các nhà đầu tư đến Việt Nam để tìm hiểu và thấy rằng, cơ hội đầu tư ở đây nhiều hơn bao giờ hết”, ông Don Lam chia sẻ.
Những nhận định trên của các nhà đầu tư đến từ VinaCapital không phải vô căn cứ. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây, ông Mark Ridley, Tổng giám đốc điều hành Savills Global đã khẳng định, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Chuyến trở lại Việt Nam lần này của ông Mark Ridley như một lời khẳng định về vị thế của Việt Nam. Trong chuyến thăm năm 2019, ông Mark Ridley đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược dài hạn của Savills khi cho rằng, đất nước này đang là điểm nóng của bất động sản toàn cầu. Ba năm sau, một lần nữa ông khẳng định điều này trong báo cáo tài chính nửa năm của Tập đoàn Savills.
Theo ông Ridley, hơn bao giờ hết, Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 sẽ khoảng 2,5%, các thị trường như Anh và châu Âu dự báo sẽ suy thoái trong hai quý tiếp theo. Điều này tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam đang sở hữu những cơ hội tăng trưởng tốt như hiện nay.
Một trong các lý do khiến dòng vốn FDI đang đổ dồn vào Việt Nam vì nhà đầu tư cần đa dạng hóa sản xuất. Con số về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 22,4 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân tăng 15,2%, ước đạt 17,45 tỷ USD.
Dự báo cũng cho thấy, giải ngân FDI năm nay có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng 6,4-11,5% so với năm ngoái. Vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần cũng tăng so với cùng kỳ 2021. Có 1.570 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng hơn 14% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt gần 10 tỷ USD…
Mọi thương vụ đầu tư dài hạn đều có lợi nhuận
Thực tế, sự biến động của thị trường chứng khoán đã khiến không ít nhà đầu tư bất an, nhưng các công ty niêm yết của Việt Nam vẫn hoạt động hiệu quả nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa.
Theo ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư của VinaCapital, các công ty được quỹ đầu tư, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, vẫn đang ghi nhận doanh thu ổn định, thậm chí cao hơn giai đoạn trước đại dịch.
“Với sự tiếp tục tăng trưởng của nền kinh tế, chúng tôi tự tin rằng các doanh nghiệp này sẽ liên tục phát triển và tạo ra lợi nhuận bền vững cho nhà đầu tư trong dài hạn”, ông Andy Ho chia sẻ.
Những thông tin trên trở thành đòn bẩy kích hoạt cho thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) Việt Nam với các thương vụ đình đám hơn vào cuối năm nay hoặc năm 2023.
Nếu như năm 2021, thị trường M&A Việt Nam chứng kiến làn sóng mạnh mẽ từ lĩnh vực công nghệ xuyên biên giới, thì năm nay nhiều yếu tố có thể khiến hoạt động M&A suy thoái. Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì các nhà đầu tư cũng cẩn thận tìm kiếm các giao dịch tài sản tiềm năng mang lại nhiều lợi ích hơn, bên cạnh khả năng sinh lời.
Dữ liệu 10 tháng của năm 2022 từ KPMG cho thấy, tổng giá trị giao dịch các thương vụ M&A của Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD, giảm 47,4% so với cả năm 2021, số lượng giao dịch cũng giảm đáng kể so với hai năm trước. Trong đó, các thương vụ chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo, hàng tiêu dùng… với những tên tuổi góp mặt như CapitaLand, Nova Land, Masan, Tập đoàn Xuân Thiện, Golden Gate, Temasek, Pharmacity, SK Group…
Đáng chú ý, trong vòng 3 năm qua, nhà đầu tư trong nước vẫn thống trị các giao dịch M&A và ngày càng tích cực chốt thương vụ. Nhiều tập đoàn lớn trong nước nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa hoạt động của họ trên thị trường hiện tại và đầu tư vào những lĩnh vực khác khi nền kinh tế đang phục hồi, trong đó việc mua lại các doanh nghiệp công nghệ là cũng là một động thái đảm bảo thành công hoạt động kinh doanh của họ, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thông tin.
Với 93 thương vụ M&A đã hoàn thành trong 10 tháng của năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành người dẫn dắt thị trường, với giá trị 1,3 tỷ USD, tăng thêm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi Singapore đứng thứ 2, với giá trị 1,2 tỷ USD.
Song theo dự báo, thời gian tới, khối ngoại sẽ tăng cường các thương vụ lớn.
Vũ Anh